Đóng cửa phiên 7/1, VN-Index tuy ghi nhận hồi phục nhẹ 0,19% nhưng chỉ số vẫn nằm tại 1.248,78 điểm, dưới ngưỡng 1.250 điểm. Ngay trước đó, chứng khoán trong nước đã có tuần điều chỉnh thứ 3 trong vòng 4 tuần trở lại đây. VN-Index giảm tới 20,55 điểm tương đương giảm 1,61% so với tuần liền kề trước.
Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua giảm rất mạnh, suy yếu 25% so với tuần trước, chỉ còn 13.305 tỷ đồng/phiên. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh giảm 20% còn 11.312 tỷ đồng/phiên.
Thực tế là không chỉ Việt Nam mà các thị trường khác trên thế giới cũng đang chứng kiến suy giảm. Trong tuần trước, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 0,48%, Dow Jones giảm 0,6% và Nasdaq mất 0,51%. Sự tăng điểm mùa Giáng sinh (Santa Clause rally) - hiện tượng tăng điểm của chứng khoán Mỹ trong 5 ngày giao dịch cuối cùng của năm trước và 2 phiên đầu tiên của năm sau - đã không trở thành hiện thực trong năm nay.
Một tâm lý hoài nghi bủa vây khiến thanh khoản trở nên èo uột. Liệu có phải nhà đầu tư đang chán nản và rút tiền khỏi thị trường?
Theo các nhà đầu tư kinh nghiệm thì điều này thường thấy ở giai đoạn cuối năm, khi mà dòng tiền thường "nghỉ Tết" sớm. Những nhà giao dịch thường có xu hướng nắm giữ tiền mặt và "né" mua vào trước các kỳ nghỉ dài ngày do yếu tố bất định về các thông tin không lường trước có thể xảy đến ở quãng thời gian này.
Một yếu tố cũng được giới đầu tư rất quan tâm hiện nay là hành động của khối ngoại. Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 90.000 tỷ đồng tại thị trường chứng khoán Việt Nam - một con số "vô tiền khoáng hậu" - rút trở lại các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu.
Ứng xử ra sao?Chậm lại và quan sát thị trường
Xét về mặt kỹ thuật, giới chuyên gia phân tích cho rằng, phiên giảm cuối tuần trước khiến trạng thái dao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.270 điểm bị phá vỡ, chỉ số VN-Index cũng để mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng như đường trung bình động 200 ngày (MA200) và 100 ngày (MA100).
VN-Index trong ngắn hạn đang chuyển sang xu hướng điều chỉnh. Chỉ số chính có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.220-1.230 điểm, hỗ trợ gần nhất quanh 1.240 điểm, kháng cự 1.255-1260 điểm.
Nhà đầu tư trong thời gian này được khuyến nghị "chậm lại", quan sát cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá lại thị trường và duy trì tỷ trọng cổ phiếu một cách hợp lý.
Diễn biến VN-Index trong những ngày đầu năm mới không thuận lợi (Nguồn: DNSE).
Khu vực 1.237-1.242 điểm được đánh giá là vùng hỗ trợ mạnh có khả năng giúp thị trường tạm thời cân bằng và có thể cho phản ứng tăng điểm kỹ thuật trở lại khi tiếp cận.
Mặc dù xu hướng thị trường kém sắc nhưng các nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn được khuyên không cần thiết phải bán cổ phiếu bằng mọi giá. Hoạt động cơ cấu danh mục có thể chờ thị trường xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật để thực hiện.
Đồng thời, việc thị trường giảm sâu cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nắm giữ tỉ trọng tiền mặt lớn kiếm lợi nhuận thông qua "lướt sóng" trên cổ phiếu có sẵn trong danh mục hoặc cổ phiếu có dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2024 tăng trưởng tích cực.
Tiền hung, hậu cát?
Trên đây là khuyến nghị của giới phân tích trong giai đoạn thị trường hiện tại. Ở góc nhìn rộng hơn, nhiều công ty chứng khoán lại đưa ra dự báo rất lạc quan cho thị trường trong năm nay.
Hầu hết đơn vị cho rằng, VN-Index có thể bứt phá mạnh về điểm số, có thể vượt mốc 1.400 điểm và lấy lại mốc 1.500 điểm ở kịch bản cơ sở. Thậm chí, ở kịch bản tích cực, có công ty cho rằng, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm!
Động lực của thị trường năm nay được các công ty chứng khoán nhìn nhận đến từ kỳ vọng nền tảng vĩ mô ổn định dưới những chính sách điều hành của cơ quan quản lý, kỳ vọng nâng hạng thị trường đón dòng tiền lớn, khả năng tăng trưởng doanh nghiệp tích cực và định giá duy trì hấp dẫn.
Số liệu mới công bố cho thấy, tăng trưởng GDP trong năm 2024 đạt 7,09%, theo đó, kinh tế đã quay trở lại với guồng tăng trưởng cao. Còn thị trường chứng khoán thì đang giao dịch ở mức định giá P/E là 14,9x lần, trong khi giá trị P/E trung bình trong vòng 10 năm là 16,6x lần.
Thị trường được dự báo gặp khó trong nửa đầu năm nay nhưng sẽ tăng mạnh vào giai đoạn nửa cuối năm, thậm chí sẽ về lại đỉnh lịch sử 1.500 điểm (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank,soi cầu lô đề 88 trong năm qua, dù bị khối ngoại bán ròng rất mạnh nhưng điểm tích cực là VN-Index vẫn không chịu ảnh hưởng quá nhiều mà chỉ rung lắc. Yếu tố này cho thấy, dù nhiễu động rất lớn, thị trường Việt Nam cũng đã có những sự hấp dẫn riêng để giữ chân nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư ngoại chốt lời thì nhà đầu tư nội là lực lượng giữ vững thị trường.
Nền kinh tế tăng trưởng tốt, nền chính trị ổn định được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, FDI tăng trưởng 9,4% trong năm 2024, tương ứng giải ngân 25,3 tỷ USD là minh chứng cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu thích Việt Nam. Do vậy, ảnh hưởng của tỷ giá đến Việt Nam trong năm 2025 vẫn có, nhưng không mạnh như năm 2024.
"Do chứng khoán Việt Nam đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn nên chúng tôi kỳ vọng tất cả sự gập ghềnh trên có thể vẫn còn trong nửa đầu năm. Nhưng câu chuyện tích cực có thể bắt đầu vào nửa cuối năm", ông Sơn cho biết.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TPHCM của Công ty Chứng khoán DSC - cũng cho rằng, trong năm nay thị trường chứng khoán sẽ không quá dễ dàng và tôi cho rằng, sẽ là một năm "tiền hung - hậu cát", thị trường sẽ tích cực dần về cuối năm.
Giai đoạn nửa đầu năm 2025, thị trường dự báo gặp nhiều khó khăn bởi các yếu tố:
Thứ nhất, dòng tiền giai đoạn tới vẫn chưa được cải thiện. Lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu có xu hướng tăng. Áp lực tỷ giá đang hiện hữu khi các phát biểu của Trump, được thể hiện qua đà tăng của chỉ số đồng đôla Mỹ (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy vậy, dòng tiền có thể sẽ được hỗ trợ một phần từ việc khối ngoại giảm bớt tốc độ bán ròng khi đã trải qua một năm 2024 bán ròng kỷ lục.
Thứ hai, tăng trưởng EPS sẽ chậm lại rõ khi mức nền thấp 2023 đi qua. Xuất khẩu đang chậm lại từ tháng 10/2024, chỉ số PMI sản xuất dưới ngưỡng 50 ở tháng 12/2024. Tiêu dùng nội địa chưa thật sự phục hồi cho thấy nền kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Từ đó, gián tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu năm nay.
Trên thị trường cũng xuất hiện những khóa học đầu tư, mời chào nhà đầu tư cá nhân tham gia. Chuyên gia Trần Hoàng Sơn khuyến nghị, với các khóa học đầu tư, nhà đầu tư cần theo dõi người giảng dạy là ai, khóa học có những khoản mục lý thuyết, thực hành như thế nào? Những người hướng dẫn đang làm ở tổ chức tài chính hay chỉ mới nổi trên mạng xã hội, có hay khoe tài sản hay không?
"Khi học đầu tư, chúng ta cần kiến thức nào thì tìm người thầy giỏi về môn đấy", vị chuyên gia nhắn nhủ. Chẳng hạn, khi đầu tư chứng khoán sẽ yêu cầu nhiều yếu tố chuyên môn chứng khoán, vĩ mô. Ủy ban Chứng khoán cũng đã có những khóa học đào tạo từ cơ bản đến nâng cao và rất rẻ tiền, nhà đầu tư có thể học nhiều kiến thức.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể học khóa học mà người dạy là giảng viên tại những trường về tài chính hàng đầu, hoặc giảng viên tại các tổ chức tài chính lớn, sẽ an tâm hơn nhiều so với việc tin tưởng vào KOL nào đó liên tục khoe lãi trên mạng xã hội.
iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.
iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...