Mô hình đường ống dẫn khí tự nhiên (Ảnh: Reuters).
Ukraine đóng van đường ống dẫn khí
Sau khi thỏa thuận kéo dài 5 năm kết thúc, Nga giờ đây sẽ không còn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) qua các đường ống ở Ukraine.
Phản ứng về sự việc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, điều này đồng nghĩa với việc "Nga không còn cơ hội kiếm được hàng tỷ USD".
Ngày 1/1, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Herman Halushchenko cũng xác nhận Kiev đã khóa van các đường ống dẫn "vì lợi ích an ninh quốc gia".
"Đây là một sự kiện lịch sử", ông Halushchenko viết trên Telegram. "Nga đang mất thị trường và sẽ phải hứng chịu các thiệt hại tài chính".
Hợp đồng cho phép khí đốt của Nga chảy qua mạng lưới các đường ống dẫn vào một số nước châu Âu, chủ yếu là Hungary, Slovakia và Áo.
Việc chấm dứt thỏa thuận sẽ không cắt đứt hoàn toàn khí đốt của Nga sang châu Âu nhưng khối lượng sẽ giảm đáng kể. Nga vẫn có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Turkstream nhưng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU sẽ giảm khoảng 14 tỷ mét khối.
Ủy ban châu Âu cho biết, khối lượng này có thể được thay thế bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu qua đường ống từ các nguồn khác, chẳng hạn như Na Uy và Mỹ.
Tuy nhiên, ở nhiều vùng tại Moldova, một ứng cử viên EU, tác động đã hiện hữu vì họ đang tiếp nhận khí đốt của Nga qua Ukraine.
Transnistria - khu vực ly khai nói tiếng Nga, nơi khoảng 45.000 người đang sinh sống, đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình.
"Không còn hệ thống sưởi ấm hoặc nước nóng", một công nhân tại công ty năng lượng Tirasteploenergo cho biết.
Một công nhân của Gazprom đi bộ cạnh các đường ống tại trạm đo khí đốt ở biên giới Nga - Ukraine gần khu vực Kursk (Ảnh: Reuters).
Nga thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm
Mặc dù Kiev được hưởng lợi về mặt tài chính từ thỏa thuận vừa hết hạn, với số tiền lên tới 800 triệu USD mỗi năm, nhưng bản thân Ukraine không phải nước nhập khẩu.
Các ước tính mới nhất cho thấy, Nga dự kiến sẽ mất khoảng 5,2 tỷ USD/năm từ tiền khí đốt được vận chuyển đến châu Âu qua Ukraine.
Theo báo cáo mà Gazprom công bố, vốn hóa thị trường của tập đoàn này ở mức khoảng 27,m88 bong da5 tỷ USD (khoảng 3 nghìn tỷ rúp).
Gazprom là công ty lớn nhất của Nga và có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, hoạt động kinh doanh của Gazprom đã phải gánh chịu nhiều tác động nặng nề.
Cuối năm 2024, riêng lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu qua các đường ống ở Ukraine đã giảm 78% kể từ khi hợp đồng trên bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020.
Lần đầu tiên kể từ năm 2001, Gazprom báo cáo khoản lỗ ròng là 6,8 tỷ USD vào năm 2023, sau khi doanh số bán khí đốt giảm mạnh.
Cho đến thời điểm hiện tại, gã khổng lồ khí đốt này vẫn liên tục thu về hàng tỷ USD mỗi năm, gồm cả 17,5 tỷ USD vào 2022, năm đầu tiên của cuộc chiến.
Tuy nhiên, doanh thu của Gazprom đã giảm khoảng 27% năm 2023, xuống còn 76,4 tỷ USD và chỉ riêng doanh thu từ bán khí đốt đã giảm 40%.
Vì vậy, khoản lỗ 5,1 tỷ USD trong doanh số bán khí đốt khi không còn thỏa thuận trung chuyển qua Ukraine có thể khiến doanh thu của Gazprom và Nga giảm thêm 6,7%.
Gazprom là công ty do nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần, nghĩa là Nga nhận được một khoản lợi nhuận đáng kể từ đây.
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), Nga phải phụ thuộc một phần vào hoạt động kinh doanh dầu khí vì cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Ngoài EU, xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Nga qua các đường ống là sang Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus. Xuất khẩu LNG chủ yếu phụ thuộc vào doanh số bán hàng cho Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc lại được chiết khấu tới 28% so với xuất khẩu sang châu Âu, nghĩa là Moscow thu được ít lợi nhuận hơn nhiều.